Monday, August 10, 2015

Truyện cổ tích Việt Nam: Thạch sanh

Ngày xửa ngày xưa ở một vùng nọ có hai vợ chồng tiều phu tên Thạch-Nghĩa tuổi cũng đã xế chiều rồi mà mãi vẫn chưa có một mụn con để dựa dẫm lúc tuổi già. Hai vợ chồng rất buồn vì nhìn thấy nhà người ta thì con đàn cháu đống nhưng nhà ta thì chỉ côi cút mỗi hai người. Mong ông trời rủ lòng thương xót, hai vợ chồng Thạch-Nghĩa ngày ngày làm rất nhiều việc nghĩa như làm đường, đắp đập, khơi mương.
Việc làm của hai vợ chồng cuối cùng cũng có kết quả, lòng tốt của họ đã thấu đến tận trời cao. Ngọc Hoàng đã cử thái tử xuống hạ giới đầu thai làm con của hai vợ chồng nhà họ Thạch. Cuối cùng Thạch bà cũng mang thai, vì là thái tử đầu thai nên việc sinh mang của Thạch bà cũng rất kì lạ, mang thai đến ba năm trời mà bà vẫn chưa sinh, trong quá trình bà mang thai thì không may Thạch ông đã bệnh nặng và qua đời. Chồng mất được một thời gian thì không bấy lâu sau, Thạch bà đã sinh hạ ra được một cậu con trai khôi ngô tuấn tú và rất khỏe mạnh. Bà đã đặt tên cho đứa con trai duy nhất của mình là Thạch Sanh, không ít lâu sau thì thạch bà cũng mất vì tuổi già sức yếu không thể chống chọi lại với bệnh tật.
Từ khi mẹ mất, Thạch Sanh sống tự lập một mình trong một túp lều tranh dưới một cây cổ thụ lớn. Tài sản duy nhất mà Thạch Sanh có là chiếc rìu để đốn củi và một chiếc khố để che thân. Năm Thạch Sanh lên 13 tuổi thì Ngọc Hoàng đã cử một vị thần xuống dưới trần gian để dạy cho Thạch Sanh võ nghệ và nhiều phép thần thông biến hóa.
Một hôm có một người bán rượu tên là Lý Thông trên đường bán rượu về ghé chân vào gốc đa để nghỉ ngơi, Lý Thông thấy Thạch Sanh rất khỏe mạnh, rất hiền lành chất phác nhưng lại mồ côi cha mẹ. Lý Thông nghĩ bụng “Nếu mà lợi dụng được thằng này thì sẽ được khối việc cho ta”. Chính vì vậy Lý Thông đã ngỏ lời muốn kết giao huynh đệ với Thạch Sanh, thấy Lý Thông muốn kết nghĩa anh em nên tưởng hắn có ý tốt nên Thạch Sanh đồng ý ngay. Sau khi kết nghĩa huynh đệ, Lý Thông đã đưa Thạch Sanh về nhà mình ở để dễ bề lợi dụng.
truyện cổ tích thạch sanh lý thông

Truyện cổ tích Thạch Sanh - Lý Thông (Ảnh minh họa)

Vào thời gian đó, trong vùng có một con trăn tinh chuyên bắt người để ăn thịt, nhà vua cũng đã nhiều lần cử quan quân xuống đánh nhưng không thể địch nổi vì con trăn có quá nhiều phép biến hóa. Về sau nhà vua phải cho người thỏa thuận với nó rằng sẽ xây miếu thờ và hàng năm sẽ hiến tế một mạng người cho nó. Đúng vào năm ấy thì tới lượt Lý Thông đi hiến mạng cho trăn tinh, mẹ con nhà Lý Thông rất lo sợ và không biết phải xoay xở ra sao. Đang cùng bí thì hắn nghĩ ra một kế thâm hiểm, đó là cho Thạch Sanh đi thế mạng cho hắn.
Đợi lúc Thạch Sanh đi đốn củi về, Lý Thông mời Thạch Sanh uống rượu cùng mình và tâm sự:
- Đêm nay là đến lượt anh phải đi canh gác và quét dọn cái miếu thờ ở trong rừng, nhưng lúc chiều anh quên béng mất nên đã lỡ tay cất mẻ rượu. Giờ anh mà đi canh miếu thì lại hỏng mất mẻ rượu mới cất, hay là đêm nay em chịu khó đi canh miếu giúp anh. Cũng không có gì vất vả cả, em chỉ đến đó quét dọn một chút rồi nghỉ ngơi tới sáng trở về nhà thôi.
Thạch Sanh vốn dĩ hiền lành tốt bụng nên thấy Lý Thông nhờ vậy Thạch Sanh đồng ý ngay.
Đến nửa đêm, Trăn tinh bò vào miếu để tìm kiếm con mồi hiến tế, thấy Thạch Sanh con trăn tinh lao vào miệng há ra bộ nanh sắc nhọn phun nọc độc định giết chết Thạch Sanh để ăn thịt. Vì mang trong mình nhiều võ nghệ và nhiều phép thần thông nên Thạch Sanh đã bình tĩnh chiến đấu với con trăn tinh một trận chiến một mất một còn. Cuối cùng sau bao nhiêu phát chém, Thạch Sanh cũng đã lấy được đầu của Trăn tinh, xác nó Thạch Sanh đem đốt thành tro thì thấy xuất hiện một bộ cung tên bằng vàng sáng rực một góc miếu.
Thạch Sanh dắt búa vào người, đeo cung rồi chạy về nhà với chiếc đầu của trăn tinh. Nghe thấy Thạch Sanh gọi cửa, mẹ con Lý Thông hoảng hốt tưởng hồn Thạch Sanh về báo thù nên quỳ khấn van xin: “Em có sống khôn thác thiêng thì em hãy tạm đi, đừng quay về tìm anh nữa, mai hai mẹ con anh sẽ sắm vàng hương, cơm canh, rượu thịt cúng em chu tất”. Thạch Sanh vẫn không hiểu chuyện gì nên vẫn gọi cửa, mẹ con Lý Thông mở cửa thì thấy đúng là Thạch Sanh vẫn còn sống và đã giết được trăn tinh. Trở vào nhà Thạch Sanh kể lại toàn bộ chuyện giết trăn cho mẹ con Lý Thông nghe. Lý Thông bèn nảy ra một tâm địa thâm độc mới để cướp công trạng của Thạch Sanh. Hắn nói:
- Thôi nguy to rồi, đây là con trăn là báu vật của nhà vua. Ai mà giết nó sẽ không tránh khỏi tội chết, thôi giờ em hãy vào rừng chốn đi, mọi việc ở đây cứ để anh và mẹ lo liệu. Khi nào thấy yên ổn anh sẽ trở vào tìm em.
Thạch Sanh tin lời Lý Thông nên đã lập tức chạy vào rừng, quay trở lại túp lều dưới gốc đa xưa. Sau khi Thạch Sanh đi khỏi, Lý Thông lập tức lên kinh bẩm báo công trạng với nhà vua là đã giết được trăn tinh trừ họa cho dân làng. Nhà vua vui mừng lắm vì cuối cùng có người đã giết được trăn tinh nên trọng thưởng rất hậu cho Lý Thông, không những thế nhà vua còn phong ngay hắn làm quan đô đốc.
Để tiếp nối sự vui mừng nhà vua đã mở hội kén chồng cho công chúa Quỳnh Nga. Hội được mở linh đình suốt tháng nhưng mãi công chúa vẫn không tìm được người tâm đầu ý hợp. Một hôm, trong lúc đang dạo chơi ở vườn đào thì công chúa đã bị một con đại bàng khổng lồ xà xuống cắp đi. Thấy có một con đại bàng lớn bay qua, Thạch Sanh đã giương cung bắn một mũi tên trúng cánh trái đại bàng. Bị trúng tên thương nặng, con đại bàng dùng mỏ ngậm mũi tên rút ra rồi vội bay về hang ổ. Lần theo vết máu rơi, Thạch Sanh đã tìm được ra chiếc hang đại bàng ẩn nấp. Chàng đánh dấu cửa hang của con ác điểu rồi quay trở lại túp lều.
Nhà vua rất lo lắng nên đã sai gấp Lý Thông đi tìm bằng được công chúa trở về, nếu tìm được sẽ gả công chúa, cho làm phò mã nối ngôi vua, nhưng nếu không tìm được thì sẽ bị chém đầu. Lý Thông vừa mừng vừa lo, mừng vì nếu cứu được công chúa thì sẽ được làm phò mã, lo vì hắn chả có tài cán gì thì làm sao cứu được công chúa. Để dò la tin tức, Lý Thông đã cho mở hội hát xướng để nghe ngóng. Đến ngày thứ mười, biết Lý Thông mở hội Thạch Sanh đã đến thăm anh và kể lại chuyện bắn đại bàng cho Lý Thông nghe. Lý Thông vui mừng khôn xiết, mở tiệc tiếp đãi Thạch Sanh rồi bảo chàng dẫn đường đến hang ổ của đại bàng.
Đến hang, Thạch Sanh dùng dây đu xuống dưới hang tìm công chúa và đưa cho công chúa thuốc mê dặn nàng dùng kế dụ cho đại bàng uống. Con đại bàng bị trúng kế nên đã mê man không biết gì, Thạch Sanh buộc công chúa vào dây cho Lý Thông ở trên kéo lên, trước khi trở lên công chúa đã thề hẹn sẽ kết duyên cùng chàng. Kéo được công chúa lên cửa hang, Lý Thông sai quân lính kiệu ngay công chúa về cung, còn hắn giả ở lại đánh nhau với đại bàng tinh.
Ngay sau đó, Lý Thông đã ra lệnh cho quân lính dùng đá lấp kín cửa hang, không những vậy hắn và mẹ hắn còn dùng rơm lấp kín hang định thiêu chết thạch sanh. Xong xuôi hắn quay trở về triều đình để mạo nhận công trạng. Không thấy Thạch Sanh trở về, công chúa trở nên buồn rầu ủ rũ và hóa câm. Nhà vua lấy làm lo lắng cho mời tất cả các thần y trong triều đến chữa trị cho công chúa nhưng tất cả đều thất bại, việc cưới xin với Lý Thông đành phải đình hoãn.
Liều thuốc mê đã hết tác dụng, con đại bàng tỉnh dậy thấy Thạch Sanh và không thấy công chúa đâu nữa, nó gầm rú điên cuồng làm vách đá ầm ầm rung chuyển. Không chần chừ, nó lao vào định giết chết Thạch Sanh để trả thù. Cũng vì đại bàng đã bị thương nặng vì trúng phải mũi tên của Thạch Sanh nên sau nhiều phút giao chiến, Thạch Sanh đã giết chết được đại bàng. Để tìm kiếm lối ra, Thạch Sanh lần mò khắp hang và không ngờ chàng bắt gặp con trai vua thủy tề đang bị đại bàng giam hãm đã hàng năm nay. Thạch Sanh dùng búa phá tan cũi sắt cứu thái tử ra. Để tạ ơn cứu mạng, Thái tử mời Thạch Sanh xuống thủy cung chơi một chuyến để có dịp tạ ơn. Vua thủy tề cảm ơn chàng và hậu đãi rất chu đáo, trước khi Thạch Sanh cáo từ hai cha con vua thủy tề để ra về, Vua thủy tề có tặng cho Thạch Sanh rất nhiều vàng bạc châu báu và một cây đàn thần. Thạch Sanh cảm ơn tấm lòng của vua thủy tề và xin chỉ nhận cây đàn, còn vàng bạc châu báu Thạch Sanh xin được gửi lại. Thạch Sanh lại trở về gốc đa xưa và sống cuộc sống như cũ.
Bấy giờ hồn đại bàng và chăn tinh khổ sở, đói khát lang thang vất vưởng, không ngờ chúng lại gặp nhau và bày mưu tính kế hãm hại Thạch Sanh. Chúng lẻn vào kho cất giữ châu báu trong triều đánh cắp vàng bạc rồi đem đi ném ở gốc đa nơi Thạch Sanh ở để vu oan. Thạch Sanh đã bị bắt hạ ngục.
Nhà vua giao cho Lý Thông sét xử vụ án này, Lý Thông vì muốn diệt trừ tận gốc để tránh hậu họa về sau nên đã khép cho Thạch Sanh tội chém đầu rồi sai lính tống giam Thạch Sanh vào ngục chờ ngày hành hình. Trong lúc bị giam trong ngục tối, Thạch Sanh lấy đàn ra gẩy. Cây đàn thần vang lên những tiếng đàn ai oán, cung sầu, cung thì kể tội Lý Thông vong ân bạc nghĩa, cung thì trách nàng công chúa đã sai lời hẹn ước.
Nghe thấy tiếng đàn, công chúa bỗng khỏi bệnh và xin vua cho gặp người gảy đàn. Nhà vua đã sai quân lính đưa Thạch Sanh lên gặp, gặp vua Thạch Sanh đã kể lại toàn bộ mọi việc của mẹ con Lý Thông. Nhà vua rất tức giận ra lệnh gấp bắt ngay mẹ con Lý Thông để xét xử. Không những vậy vua còn cho Thạch Sanh toàn quyền xét xử vụ án này. Thương tình cho hai mẹ con Lý Thông, Thạch Sanh đã tha cho hai mẹ con hắn được trở về làng. Nhưng dọc đường về hai mẹ con Lý Thông đã bị một tia sét đánh chết.
Nhà vua đã cho Thạch Sanh được kết hôn cùng công chúa Quỳnh Nga, tin Thạch Sanh lấy công chúa đồn đi rất nhanh, các thái tử của 18 nước chư hầu kéo quân tiến đánh để trả thù vì đã nhiều lần đến cầu hôn nhưng lần nào cũng bị công chúa từ chối thẳng thừng.
Nhà vua cử Thạch Sanh cầm binh giết giặc, trong lúc giáp chiến Thạch Sanh lại lấy đàn thần ra gảy, Tiếng đàn khi khoan khi nhặt, êm ấm lạ thường, khiến cho quân địch phải xúc động, người thì bồi hồi thương con, thương vợ, kẻ thì bâng khuâng nhớ tới quê hương ,không một ai còn nghĩ tới chiến đấu nữa. Thái tử của 18 nước chư hầu thấy quân lính không còn chút nhuệ khí nên đã xin hàng. Thạch Sanh dùng chiếc niêu thần của mình để nấu cơm cho quân lính của kẻ địch ăn, quân lính ăn mãi mà thấy niêu cơm vẫn đầy nên càng thêm nể phục. Chúng rập đầu lậy tạ rồi kéo quân về nước.
Nhà vua làm lễ nhường lại ngôi vị cho Thạch Sanh. Khi lên ngôi, Thạch Sanh đã xóa thuế, phóng thích tù nhân, khuyến khích muôn dân trăm họ theo nghề nông trang. Từ đó đất nước được hưởng thái bình, nhà nhà no ấm.

No comments:

Post a Comment